Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo như vậy tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí VN, tổ chức sáng 11.4 ở Hà Nội.
Tại hội nghị, Bộ Công thương cho biết theo chiến lược thì đến năm 2010, sản phẩm cơ khí phải đáp ứng được 40 – 50% nhu cầu trong nước, nhưng đến năm 2012 mới chỉ đạt 32,58%, lượng nhập khẩu sản phẩm cơ khí cũng nhiều gấp đôi xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, có tình trạng với các dự án tổng thầu EPC là nhà thầu Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt vài phần trăm thậm chí là 0%. Đơn cử như xi măng, dù đầu tư 24 nhà máy, nhưng 23 nhà máy do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC và tỷ lệ nội địa hóa thiết bị các nhà máy này không hơn 3% (phần lớn là 0%), dù về mặt kỹ thuật doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước hoàn toàn có thể làm chủ thiết kế, chế tạo được đến 40% giá trị thiết bị. Ở các dự án nhiệt điện than, tỷ lệ nội địa hóa cũng gần như bằng 0 với 15 dự án có nhà thầu Trung Quốc, trong khi với dự án nhà thầu VN tỷ lệ nội địa hóa thiết bị khoảng 20%…
Trong khi đó, ở những ngành Chính phủ chỉ định thầu cho nhà thầu trong nước như thủy điện, DN cơ khí nội đã làm được 90% thiết bị cơ khí thủy công, nội địa hóa được 30% giá trị thiết bị dự án thủy điện. “ Chính phủ phải coi trọng ngành cơ khí, đưa ra cơ chế bảo hộ thị trường nhất định”, ông Sáng kiến nghị.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, cơ chế chính sách dù có nhiều, nhưng thiếu nhất quán, ổn định. Tuy nhiên các DN vẫn “hay chê cơ chế chính sách mà ít chịu nhìn lại mình”. Ông chỉ ra nhược điểm lớn của ngành cơ khí là các DN thiếu hợp tác với nhau để cùng phát triển trong khi tự thân các DN đang rất yếu về quản trị, công nghệ, năng lực… và đề nghị các DN cơ khí tư duy lại, không đầu tư hoành tráng mà cần đầu tư vào từng loại cơ cấu sản phẩm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, đã có sự gia tăng khi năm 2002 mới chiếm 10,8% nhu cầu trong nước thì hiện nay đã chiếm khoảng 32,6% nhu cầu, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu. Thủ tướng yêu cầu rà soát cơ chế chính sách, cái nào chưa thực hiện phải làm nghiêm, như cơ chế thuế ưu đãi VAT cho các dự án cơ khí chế tạo, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế để bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp cam kết, xây dựng hàng rào kỹ thuật, quy định tỷ lệ nội địa hóa… Ngoài ra, có chính sách tín dụng ưu đãi tạo cho nông dân, ngư dân để tạo thị trường, tín dụng cho DN sản xuất. Xây dựng sản phẩm trọng điểm, cổ phần hóa các DN nhà nước để tạo động lực mới, thúc đẩy cơ khí trong nước phát triển.